Tổng quát chiến thuật

15.2.11

Một trong những điều cốt lõi của trò chơi Hattrick là chiến thuật trong trận đấu. Để trở thành một chuyên gia chiến thuật quả thật không phải là đơn giản. Trong bài viết tay, tôi xin mạo muội nói về khái quát chiến thuật trong Hattrick. Nếu có điểm gì sơ suất, xin các bạn hãy đóng góp thêm.

Hiệu quả của chiến thuật
Bạn chỉ có thể thấy được hiệu quả khi chiến thuật khi đối thủ của bạn ở trong một ngưỡng nhất định so với bạn. Nếu đối thủ của bạn quá mạnh, bất kỳ chiến thuật gì cũng thường dẫn tới thất bại. Ngược lại, nếu đối thủ của bạn quá yếu, bất kỳ chiến thuật gì cũng thường dẫn đến chiến thắng. Do đó, bạn sẽ không thấy hiệu quả chiến thuật trong những trường hợp này. Tuy nói như vậy nhưng nếu bạn có thể vận dụng chiến thuật khéo léo một tí thì bạn có thể thua ít hơn hay thắng nhiều hơn để giữ sự tự tin của đội bạn ở mức cao nhất có thể cho những trận đấu sau.

Tư tưởng chiến thuật
Cho dù một vị tướng có một đội quân hùng mạnh đến đâu, chiến thuật giỏi thế nào, không ai có thể tự hào mình là người đánh trăm trận trăm thắng. Do đó, khi sử dụng chiến thuật mà không thấy hiệu quả thì có thể xem lại những chỗ khuyết điểm của mình mà sửa đổi hoặc nếu do thiếu may mắn thì hy vọng sẽ có may mắn hơn vào những trận đấu kế tiếp.

Khi đưa ra kế hoạch cho chiến thuật vào những trận sắp tới, bạn nên luôn luôn có tư tưởng là chiến thắng cho dù là trong đường tơ kẽ tóc. Nếu bạn có ý nghĩ cầu hòa thì 50% bạn đã thất bại.

Phân tích tiềm lực
Khi so sánh các tuyến thì tiền vệ sẽ so sánh với nhau, phòng thủ cánh trái của đội bạn so với tấn công cánh phải của đối phương, phòng thủ trung lộ của đội bạn so với tấn công trung lộ của đối phương, phòng thủ cánh phải của đội bạn so với tấn công cánh trái của đối phương và ngược lại.

Nếu phân tích kỹ thì sẽ rất phức tạp. Để đơn giản hóa vấn đề, cho rằng mỗi tuyến bạn có thể thắng, thua hoặc hòa với đối phương thì bạn có cả thảy 27 trường hợp để phân tích. Lưu ý là thắng hay thua chỉ nên tính khi quá chênh lệch (hơn 1 cấp lớn chẳng hạn). Nếu chúng ta xem sự cạnh tranh của mỗi tuyến là một ván cờ, thì thắng được 1, hòa 0.5 và thua 0 điểm. Cộng điểm ba tuyến với nhau, sẽ có những trường hợp sau:

  • 0 - 0.5 điểm: cơ hội thắng rất nhỏ, chiến thuật hầu như không đóng vai trò gì
  • 1 điểm: đối phương nhỉnh hơn bạn 1 tí, chiến thuật là yếu tố giúp bạn lật ngược thế cờ
  • 1.5 điểm: cân bằng lực lượng, chiến thuật đóng vài trò rất lớn cho sự chiến thắng của bạn
  • 2 điểm: bạn nhỉnh hơn đối phương 1 tí, chiến thuật là yếu tố giúp bạn không bị lật kèo
  • 2.5 - 3 điểm: cơ hội thắng rất cao, chiến thuật hầu như không đóng vai trò gì
Phân loại chiến thuật
Nếu chúng ta liệt kê từng loại chiến thuật thì sẽ không bao giờ có thể kể hết vì có cả thảy 10 loại đội hình, tùy theo vị trí của từng cầu thủ mà chúng ta có các chỉ thị bình thường, tấn công, phòng thủ, dạt cánh, bó trung lộ, chiến thuật trận đấu thì có thêm 7 loại: bình thường, tấn công cánh, tấn công trung lộ, phòng thủ phản công, pressing, chơi sáng tạo và sút xa. Ngoài ra chúng ta còn có thêm việc thay người có điều kiện...

Do đó, xin phép được phân loại chiến thuật theo một cách khác đơn giản hơn và có thể đi sâu vào từng loại qua những bài viết khác. Sau đây là 4 loại chiến thuật phổ biến (không nhất định gồm toàn bộ các chiến thuật trong Hattrick)
  1. Tổng tấn công
    Loại chiến thuật này bỏ lơ hàng thủ để tập trung vào hàng tiền vệ và tấn công với mục đích là giành càng nhiều cơ hội càng tốt và ghi bàn bằng những cơ hội đó.

    Tập luyện: kiến thiết, ghi bàn, chuyền ngắn, đá phạt, tạt bóng, chụp bóng (đôi khi).
    Đội hình: 2-5-3, 3-5-2, 3-4-3
    Chiến thuật: Bình thường, tấn công trung lộ, tấn công cánh, chơi sáng tạo
    Ưu điểm: nếu chiến thắng được hàng tiền vệ và ít nhất ngang ngửa với hàng thủ đối phương, thì một chiến thắng nằm trong tầm tay.
    Khuyết điểm
    : nếu thua hàng phòng thủ đối phương khá xa, chiến thuật này sẽ là bại tướng của chiến thuật phòng thủ phản công; nếu thua hàng tiền vệ đối phương, chiến thuật này sẽ là bại tướng của chính nó và chiến thuật "rùa".

  2. Phòng thủ phản công
    Loại chiến thuật này bỏ lơ hàng tiền vệ để tập trung vào phòng thủ và tấn công với mục đích là ngăn chận cơ hội của đối phương và chuyển biến cơ hội đó thành cơ hội của mình.

    Tập luyện: phòng thủ, chụp bóng, ghi bàn, tạt bóng, đá phạt, chuyền ngắn (đôi khi), chuyền dài (đôi khi), kiến thiết (đôi khi)
    Đội hình: 5-3-2, 4-4-2, 4-3-3, 5-2-3, 5-4-1 (đôi khi), 5-5-0 (đôi khi)
    Chiến thuật: Phòng thủ phản công
    Ưu điểm: nếu hàng công và hàng thủ hơn hẳn đối phương thì 1 chiến thắng không phải là quá khó (cho dù có thắng hay thua hàng tiền vệ).
    Khuyết điểm: nếu hàng thủ thua đối phương hoặc hàng công quá yếu so với đối phương thì bản thân sẽ làm mồi ngon cho đối thủ dù đối thủ dùng chiến thuật gì.

  3. "Rùa"
    Tên của loại chiến thuật này không phải có nghĩa là cầu may mà từ ý nghĩa con rùa rút đầu vào mai, không sao có thể đánh nó được. Loại chiến thuật này bỏ lơ tấn công để tập trung vào phòng thủ và hàng tiền vệ với mục đích không để thủng lưới và ghi hơn đối phương 1 bàn.

    Tập luyện: phòng thủ, chụp bóng, kiến thiết, chuyền dài, tạt bóng, đá phạt
    Đội hình: 5-5-0, 4-5-1, 5-4-1
    Chiến thuật: Bình thường, pressing, phòng thủ phản công, tấn công cánh, chơi sáng tạo (đôi khi)
    Ưu điểm: đây là chiến thuật phòng thủ 2 lớp nên đối phương sẽ rất khó ghi bàn vào lưới bạn và nếu như bạn ghi được 1 bàn vào lưới đối phương, trận đấu chấm dứt.
    Khuyết điểm: nếu như đối phương ghi được một bàn vào lưới bạn, cũng có thể nói trận đấu chấm dứt.

  4. Trung dung
    Loại chiến thuật này không tập trung nhất định vào tuyến nào mà cũng không bỏ lơ tuyến nào nên cả ba tuyến đều nhau. Tùy theo loại hình tập luyện thì có thể xài các loại đội hình và chiến thuật khác nhau. Có thể nói đây là chiến thuật mạnh cả ba tuyến cũng như không mạnh tuyến nào.

    Ưu điểm: vì ba tuyến đều nhau, tùy theo hoàn cảnh bạn có thể chuyển sức mạnh 1 tuyến sang 2 tuyến còn lại và sử dụng một trong ba chiến thuật trên một cách linh hoạt, đánh bại 2 tuyến của đối phương và dễ dàng dành chiến thắng.
    Khuyết điểm: vì ba tuyến đều nhau, nếu đối phương bắt bài, tận dụng được sơ hở tập trung đánh bại 2 tuyến thì dễ dàng thất bại.
Trong ba chiến thuật đầu, cũng cần phải kể thêm có thể có một vài biến tướng như chiến thuật tổng tấn công hay phòng ngự phải công thay vì tấn công cả 3 vị trí (trái, trung lộ và phải) thì chỉ tập trung vào 2 (một cánh + trung lộ hoặc 2 cánh), thậm chí 1 (trung lộ) để dồn sức manh mà khoét sâu hàng phòng ngự của đối phương. Ngược lại, chiến thuật "rùa" đôi khi cũng dồn hết vào 1 vị trí (cánh hoặc trung lộ) hoặc 2 (2 cánh hoặc 1 cánh + trung lộ) để tăng thêm khả năng ghi bàn đề phòng bị đối phương dẫn trước mà không có cách gỡ lại.

Vài lời cuối
Những hiểu biết nông cạn của tôi ở phía trên không bao gồm toàn bộ những chiến thuật của Hattrick mà chỉ khái quát những hệ thống chiến thuật lớn đã và đang được sử dụng trong trò chơi. Vì sự giới hạn về thời gian, bài viết này không đi sâu vào chi tiết các loại chiến thuật. Trong những bài viết tới về chiến thuật, tôi sẽ đi sâu vào từng loại để giúp các bạn tối ưu hóa chiến thuật mình sử dụng.

4 comments: (+add yours?)

Unknown nói...

Chiến thuật tổng tấn công: hình như nếu Mid chỉ nhỉnh hơn đối thủ 1 chút mà thủ không vượt trội so với hàng công của đối thủ vẫn có thể bị thua do random thì phải?

Thanh Thảo nói...

tùy vào mid (hàng tiền vệ) hơn bao nhiêu; nếu chỉ khoảng 52% vs. 48% thì khả năng thua do random rất cao. Chiến thuật tổng tấn công đặt nặng vào mid rất nhiều, để có xác suất thành công cao thì mid nên hơn khoảng 60%...

tuan96 nói...

Nhưng dùng đội hình 3 tiền đạo, mất 1 chút mid nhưng hàng công mạnh hơn thủ đối phương, vẫn có khả năng thắng!

Thanh Thảo nói...

cái này sẽ nói rõ hơn ở chuyên đề Tổng tấn công. Khi nào chiếm mid thấp như 52% chẳng hạn, khả năng đối phương có nhiều cơ hội hơn mình không phải là ít dẫn đến bị thua phản.

Đăng nhận xét